Nhu cầu tự xuất bản sách ngày càng lớn

Nhu cầu tự xuất bản sách ngày càng lớn

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cho rằng ngày càng có nhiều người muốn ra sách, nhiều tác giả không chuyên đã có những cuốn bán chạy.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh là tác giả của Trường học hay trường đời, đồng thời là người chấp bút, biên tập loạt sách cho các nhân vật nổi tiếng. Cuối tháng 10, anh ra mắt cuốn 6 bước tự xuất bản một cuốn sách (Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành).

Cuốn sách là sự đúc rút kinh nghiệm trong gần 10 năm tham gia lĩnh vực tư vấn xuất bản, truyền thông của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. Theo tác giả, nhu cầu tự xuất bản sách sẽ ngày càng lớn.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 33.000 đầu sách được cấp phép xuất bản trong năm 2020. Trung bình, mỗi ngày có gần 100 cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam.

Nhiều tác giả sách bán chạy hiện nay không phải là các nhà văn, nhà báo (những tác giả chuyên nghiệp theo quan niệm truyền thống). Họ là những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nhân, bác sĩ, nhân viên văn phòng, sinh viên...

Chứng minh cho nhận định của mình, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh dẫn ra một số trường hợp tác giả sách best-seller đang làm những công việc không liên quan nhiều đến sách như: Bác sĩ Hùng Ngô (Để yên cho bác sĩ “hiền”, 3 phút sơ cứu... ), nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang (Bức xúc không làm ta vô can, Thiện ác và smartphone, Đại dương đen...), chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương (Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công, Hồi ký tiến sĩ Lê Thẩm Dương...), sinh viên Khánh Vy - Thiện Khiêm (Tiếng Anh không khó, đừng nhăn nhó)...

“Cùng thủ tục pháp lý ngày càng đơn giản, việc các cá nhân tự xuất bản một cuốn sách trong hiện tại không khó”, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nói.

Ngày nay, nhiều người ý thức tự xuất bản sách là một cách làm thương hiệu cá nhân. Vì vậy, nhu cầu tự xuất bản sách ngày một tăng.